Cái Vô Hạn Trong Lòng Bàn Tay
Cuộc đàm luận giữa hai nhà khoa học:
- Một nhà Vật lý Thiên văn vốn là một phật tử, người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học về sự sống theo quan niệm nhà Phật
- Một nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư, người mà những kinh nghiệm cá nhân đã kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức hiện thực khách quan đó.
Họ nói chuyện với nhau không phải theo kiểu tranh luận đối đáp mà cùng bổ khuyết cho nhau để xây dựng cái nhìn nhân văn về khoa học tự nhiên, mượn tinh thần đạo Phật để hạn chế cái ác của nền khoa học kỹ thuật đang phát triển đến tột bậc, có nguy cơ hủy diệt cả cuộc sống và nền văn minh con người.
Sự đầy của cái không
Chúng ta đứng giữa hai cái vô hạn, vô cùng bé và vô cùng lớn, hai cột mốc hiểu biết đã thách thức con người xuyên suốt chiều dài lịch sử. Và cũng như vô hạn, cái không không ngừng xuất hiện dưới nhiều hình thức trong các lĩnh vực khác nhau của tư tưởng con người. Sự sợ hãi cái hư vô, hay chân không, thể hiện rất rõ trong tư tưởng phương Tây, mà rõ nét nhất là việc số 0, biểu hiện của cái không trong toán học, đã ra đời ở phương Đông bất chấp những tiến bộ lớn lao trong toán học phương Tây. Con người sợ chân không, tự nhiên sợ chân không, vậy chân không thật sự là gì? Nó có thật sự trống rỗng? Không gian trong vũ trụ có phải là chân không? Làm thế nào mà vũ trụ lại chuyển từ không tồn tại thành tồn tại, từ hư vô thành một cái gì đó? Vai trò của chân không trong sự ra đời của vũ trụ là gì?
Trong cuốn "Sự đầy của cái không", tác giả Trịnh Xuân Thuận đưa độc giả đi qua lịch sử phát triển của khoa học và triết học về chân không, từ thuyết tương đối đến lý thuyết lượng tử, từ khái niệm chân không trong Đạo giáo đến các mặt đối lập bổ sung cho nhau trong Phật giáo. Đây là cuốn sách dành cho tất cả những ai muốn hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, và do đó hiểu hơn về nguồn gốc của chính loài người, những sinh vật có ý thức để đặt câu hỏi về cõi hư vô đã sinh ra vũ trụ này.