Đoản thi Đông Á (Trung Hoa - Korea - Việt Nam - Nhật Bản)
Tác giả: Phan Thị Thu Hiền (chủ biên) - Nguyễn Thị Bích Hải - Nguyễn Thị Thanh Xuân - Lê Thị Thanh Tâm - Vũ Thị Thanh Tâm
TẢN BỘ TRONG VƯỜN ĐOẢN THI
Phan Thị Thu Hiền
Nếu so với sonnet, thể thơ ngắn nổi tiếng, quen thuộc nhất của văn học châu Âu (bài thơ trong hình thức cổ điển có 10 dòng với 140 âm tiết) thì các thể thơ ngắn nhất đồng thời nổi tiếng bậc nhất của văn học Đông Á nhỏ nhắn hơn nhiều.
Bên cạnh tuyệt cú (bài thơ 20 hoặc 28 âm tiết) vốn xuất phát từ Trung Hoa nhưng dần trở thành gần như một gia tài chung trong văn học chữ Hán của khu vực, được thi nhân cả ở Korea, Nhật Bản, Việt Nam thưởng thức và sáng tác thì mỗi nền văn học dân tộc lại có hình thức đoản thi độc đáo, trong ngôn ngữ, văn tự riêng của mình. Có thể kể sijocủa Korea (hình thức quy chuẩn chừng 45 âm tiết), lục bát của Việt Nam (bài thơ 2 câu chỉ gồm 14 âm tiết), haikucủa Nhật Bản (17 âm tiết).Tuyệt cú tương đương với thể rubai (bài thơ cũng 4 dòng) của Ba Tư (Tây Á). Lục bát hai câu thì gần gũi với hình thức bài thơ một sloka (2 dòng, tổng cộng 32 âm tiết) trong văn học Ấn Độ (Nam Á).
Tuy nhiên, có lẽ khắp thế giới không tìm được một khu vực nào khác phong nhiêu các đoản thi, say mê nồng nhiệt và sở trường đặc biệt về các thể thơ này như ở Đông Á.
Các nền văn học Đông Á đều khởi đầu bằng thơ ca. Song, những thể thơ ngắn tiêu biểu không tự nhiên có được ngay thuở ban sơ, mà thường xuất hiện khá muộn về sau.
Tuyệt cú hình thành khoảng thế kỷ VI; sijo, lục bát định hình như một thể thơ vào khoảng thế kỷ XIV; haiku được khai sinh như một hình thức độc lập vào giữa thế kỷ XVII.
Tất cả đều cho thấy con đường đến đoản thi là hành trình trưởng thành, thuần thục của mỗi nền văn học.
Tuy phần lớn các thể thơ ngắn Đông Á đều có nguồn gốc trực tiếp hoặc sâu xa từ bài ca (dân gian), nhưng quan hệ giữa “thi” và “ca” được tiếp nối ở sijo, lục bát lâu dài, chặt chẽ hơn so với tuyệt cú, haiku.
Có thể hình dung tuyệt cú của Trung Hoa như một thế giới tương hỗ chặt chẽ Âm-Dương, hài hòa, đối xứng; haiku của Nhật Bản xây dựng thế cân bằng lệch, cực Dương; trong khi lục bát của Việt Nam cực Âm, nhịp nhàng, uyển chuyển; sijo của Korea mềm mại, linh hoạt.
Như vậy, những bài thơ bốn dòng, ba dòng, hai dòng, hay một dòng của tuyệt cú, sijo, lục bát, haiku, nhìn trên bề mặt, có kết cấu hết sức đa dạng. Tuy nhiên, cấu trúc sâu tạo nghĩa của các thể thơ này lại đồng quy một cách lạ lùng. Cách này hay cách khác, các đoản thi thành công luôn có một bản lề khép lại tâm cảnh/ ý cảnh của phần đầu bài thơ và đột ngột xoay chuyển mở ra trong câu thơ cuối cùng/ ngữ đoạn cuối cùng một tâm cảnh/ ý cảnh khác, mới mẻ tinh khôi, dù cả hai vẫn không ngừng là một thế giới… Toàn bộ phần đầu bài thơ tích tụ, chất dồn năng lượng cho sự thăng hoa, bùng nổ ở câu thơ cuối cùng/ ngữ đoạn cuối cùng.
So sánh với thơ ngắn của các nền văn học khác như vậy, có thể nhận thấy đặc trưng của các đoản thi Đông Á trong sự nhuần nhị, tự nhiên dung nhập cảnh và tình, hòa quyện trữ tình và triết lý, hàm súc mà dư ba.
Tuyệt cú, sijo, lục bát, haiku cùng hàm súc, giàu sức gợi, nhưng thi pháp của mỗi thể thơ lại mang sắc thái khác nhau.
Tóm lại, tuyệt cú của Trung Hoa, haiku của Nhật Bản, sijo của Korea và lục bát của Việt Nam chia sẻ khá nhiều đặc điểm tương đồng có tính loại hình và có tính khu vực. Cả bốn thể thơ đều hàm súc, giàu sức khơi gợi. Cả bốn thể thơ, với những cách thức và mức độ khác nhau đều chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Á Đông (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo...).
Bên cạnh những đặc điểm chung, tuyệt cú, haiku, sijo, lục bát, mỗi thể lại có những đặc trưng biểu hiện bản sắc dân tộc độc đáo. Sijo và lục bát có nhiều điểm gần gũi nhau hơn so với tuyệt cú và haiku. Trong khi tuyệt cú và haikucổ điển, hàn lâm, luật thi nghiêm ngặt thì sijovà lục bát tự nhiên, năng động hơn. Tuyệt cú và haikuchủ yếu là tiếng thơ vô ngã, lôi cuốn bằng sự sắc sảo, chiều sâu tôn giáo - triết học, đậm đà phong vị Thiền tông. Sijo và lục bát lại cất lên lời ca mang giọng điệu trữ tình, nồng nàn sắc thái cá nhân, chinh phục nhờ những vẻ đẹp biến ảo của tâm hồn.
Bộ sách tinh tuyển văn chương Đông Á đã xuất bản:
Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á (2013)
Những kỳ nữ trong thơ ca Đông Á (2014)
Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á (2014)
Thi tăng Đông Á (2017)
Chuyện tình ma nữ trong truyền kỳ Đông Á (2017)
Thượng Hải – Tokyo – Hà Nội – Seoul trong văn chương Đông Á đầu thế kỷ XX (2017)
Đoản thi Đông Á (2020)
Các trích đoạn:
Mai hoa tuyệt cú
梅花绝句
陆游
闻道梅花坼晓风,
雪堆遍满四山中。
何方可化身千亿,
一树梅花一放翁。
Phiên âm:
MAI HOA TUYỆT CÚ
Lục Du (1)
Văn đạo mai hoa sách hiểu phong,
Tuyết đôi biến mãn tứ sơn trung.
Hà phương khả hóa thân thiên ức,
Nhất thụ mai tiền nhất Phóng Ông.
Dịch thơ:
Thơ tuyệt cú về hoa mai
Nghe gió sớm về mai nở bông,
Như làn tuyết phủ khắp non trùng.
Cách chi thân hóa thành muôn ức,
Bên mỗi gốc mai một Phóng Ông.
1. Lục Du (1125 – 1210) tự là Vụ Quan, hiệu là Phóng Ông, quê ở Sơn Âm (nay thuộc tỉnh Chiết Giang). Xuất thân trong gia đình quan lại, sớm tiếp thu được truyền thống văn hóa tốt đẹp và hoài bão ý chí yêu nước. Ông từng thi đỗ tiến sĩ nhưng bị đánh trượt; sau đó ông tòng quân chỉ huy quân đội ở một số địa phương. Lục Du là nhà thơ yêu nước vĩ đại thời Nam Tống, văn võ kiêm toàn, luôn chủ trương chống quân Kim xâm lược.
Ông có tài cả về thơ, từ, tản văn, lại sở trường về sử học. Bình sinh ông sáng tác gần ba vạn bài thơ, nay còn lại hơn 9.000 bài. Thơ ông có nội dung phong phú, tính hiện thực cao và chứa chan tinh thần yêu nước. Phong cách thơ ông trầm hùng, hào phóng; ông sành tất cả các thể thơ, nhất là thất ngôn luật thi.
Tác phẩm có Kiếm Nam thi cảo, Vị Nam văn tập, Phóng Ông từ.
- - - - - -
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một số bài sijo đặc sắc của kisaeng,
ngoài ra còn có một số bài sijo của học giả viết tặng cho kisaeng hoặc
xướng họa với kisaeng.
1. 청산리 벽계수(靑山裏 碧溪水)야 수이 감을 자랑 마라.
일도창해(一到蒼海)하면 돌아오기 어려우니
명월(明月)이 만공산(滿空山)하니 쉬어간들 어떠리.
Con suối biếc
chảy trong núi xanh,
chớ tự hào về việc trôi nhanh
Nếu nay mai một lần đến bể
đường trở về đâu dễ, suối ơi!
Trăng
đêm nay rạng ngời khắp núi
sao chẳng dừng đôi chút nghỉ ngơi?
(Hwang Chin-I)
2. 동짓달 기나긴 밤을 한 허리를 베어내어
춘풍 이불 아래 서리서리 넣었다가
님 오신 날 밤이어든 굽이굽이 펴리라
Đêm đông chí kéo dài vời vợi
gập lưng đêm, em cắt làm đôi
Để dành một nửa, cuộn cuộn tròn
cất dưới tấm chăn ấm gió xuân
Ngày người yêu đến, em trải, trải
để nối dài, dài mãi đêm yêu.
(Hwang Chin-I)
3.청산(靑山)은 내 뜻이요 녹수(綠水)는 님의 정이
녹수 흘러간들 청산이야 변할손가
녹수도 청산을 못 잊어 울어예어 가는고
Núi xanh là ý em
nước biếc - ấy tình chàng
Nước đi là đi mãi
Núi một chỗ không rời!
Nước cũng hoài nhớ núi
khóc sụt sùi chảy trôi.
(Hwang Chin-I)
- - - - -
Haiku - Những giọt nước đi khắp thế gian
Haiku, một thể thơ của người Nhật, đã trở thành “thể thơ quốc tế” từ bao lâu nay; Haiku được đọc, được yêu mến và được nối dài đôi cánh sáng tạo để có thêm nhiều đời sống khác qua thời gian và không gian.
Mỗi bài thơ haiku như những giọt nước: bé nhỏ và trong veo, đơn giản và mãnh liệt như thể soi chiếu mọi thứ từ cát bụi đến càn khôn. Dòng chảy haikulà một hợp lưu từ nhiều nguồn văn hóa, triết học, mỹ học của người dân Phù Tang, tạo nên một khí quyển haiku rộng mở bất cứ nơi nào mà nó chảy đến.
Haiku phản chiếu tâm hồn yêu mến thiên nhiên vô hạn của người Nhật từ thuở ban sơ. Dấu ấn thiên nhiên không chỉ có trong thể waka, tankatruyền thống mà người Nhật tự hào và gìn giữ, nó còn trở thành bản sắc của haikuqua thuật ngữ kigo(quý ngữ), tức là tín hiệu của mùa. Hệ thống tín hiệu ấy tạo nên một cảm thức rất đặc thù về thời gian và không gian trong haiku.
Bài thơ của Basho không nói về những phiền muộn và nhơ nhuốc, dù nhà thơ cảm nhận rõ ràng sự khó chịu và bất an. Tác phẩm không nhằm thể hiện sự lãnh đạm triết học, cũng không nói về lòng thương vô bổ đối với con rận, về sự nhầy nhụa của một giấc ngủ không trọn vẹn.
Sự diễn đạt nghệ thuật ở đây là gì? Đó là cảm giác: “Thế giới này quả là…”. Nếu ai trong chúng ta cố gắng hoàn chỉnh ý nghĩa câu văn này cũng đều không hiểu điều Basho muốn nói”.
Ngã rẽ lớn nhất của haikulà sự xuất hiện của senryu, một thể thơ hoàn toàn tương đồng với haikuvề hình thức nhưng nằm ở một thái cực khác biệt về cảm thức. Không có được một lai lịch và thân thế hàn lâm như haiku, senryulại được người đọc nồng nhiệt chào đón bởi sự hài hước và hóm hỉnh có được từ trí tuệ dân gian và mỹ học của sự “suồng sã”.
Zashiki-rô Không thể trốn đi
yume wa kuruwa wo mộng đành phiêu lãng
kake-meguri trên phố ca nhi
hay:
Fukikeseba Thổi tắt nến rồi
waga mi ni modoru cái bóng của tôi
kagebôshi lại trở về trong tôi
Mono no aware, nỗi buồn của sự vật, được haikuđánh thức sau chuỗi sáng tạo phi thường từ kiệt tác Genji monogatarivà trong lịch sử waka, tanka. Nỗi bi cảm ở thơhaikulà lời mời gọi những thổn thức nghiêm trọng qua các biến cố đời sống:
Iru tsuki no Trăng rụng rồi
ato wa tasukue no bốn góc bàn quen thuộc
yosumi kana còn lại mà thôi
Chẳng có bài văn tế nào có thể ngắn và nức nở đến thế. Bài haiku khóc thương một người bạn đã mất, mà không có lấy một từ chỉ sự chết chóc, buồn đau, nhưng cái không gian ấy còn hơn cả một tiếng khóc từ cõi lòng!
- - - - -
Với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử…, lục bát đã bước từ thế giới nhà quê sang thế giới thị thành, từ ngưỡng cửa của thơ ca cổ điển sang con đường của thơ ca hiện đại. Điểm tựa của ngôn từ là dòng chảy tâm trạng. Cảnh sắc thiên nhiên tinh tế được chọn lọc để biểu đạt những sắc thái mong manh của nội tâm.
Cái buồn của con người cá nhân nơi đây cũng nhẹ nhàng, mênh mang như trong ca dao, nhưng hết sức đa dạng, phong phú :
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn.
(Xuân Diệu)
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn.
(Thế Lữ)
Đó cũng là lời ru, nhưng không phải lời ru của mẹ, mà là lời ru của người tình:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
(Huy Cận)Sách Đoản Thi Đông Á (Trung Hoa - Korea - Việt Nam - Nhật Bản) của tác giả Phan Thị Thu Hiền chủ biên - Nguyễn Thị Bích Hải - Nguyễn Thị Thanh Xuân - Lê Thị Thanh Tâm - Vũ Thị Thanh Tâm, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark