Cuốn sách giống như tập “lưu ảnh ký” ghi lại mỗi ngày, mỗi sự kiện, những suy nghĩ cá nhân với xúc cảm ngọt ngào và tư duy mạch lạc từ những trải nghiệm trong quá trình làm công việc phát thanh viên. Cuốn sách bắt đầu từ những đề tài rất “mộc”, như căn bếp gia đình, ký ức từ cuốn album ảnh, một chút xốn xang giữa mùa ngâu Sài Gòn, hay sự háo hức trước một thành phố mới, và tác giả cũng không ngần ngại chia sẻ cả những tai nạn nghề nghiệp như ở Bản năng của sự thay đổi, Phải hiểu luật pháp trước tiên, hay tự chất vấn sự vô tâm, vô tư tuổi trẻ.
Đoạn trích tiêu biểu:
Nhìn vào công việc của mình trước khi lên sóng và khi lên sóng thật thú vị vì nó là cuộc sống thực dạy cuộc đời thực. Nó giúp tôi tránh đưa ra những lời khuyên sáo rỗng mà kể cho họ đúng những gì tôi gặp phải ở công sở, để họ biết rằng tôi cũng phải trải qua đúng như những gì họ đang khúc mắc. Điều chúng tôi cần làm là sẵn sàng nói ra với nhau những thắc mắc để người khác biết mà giúp đỡ. Khi đã đi hết tuổi 20, tôi mới thấy thành công của lứa tuổi này không phải là kiếm được nhiều tiền mà tìm được một môi trường làm việc giúp mình bộc lộ được hết ưu, khuyết điểm của mình. Mới tuổi 20 thì lo lắng làm sao mà vượt qua được thanh xuân vậy mà chỉ nhờ bản năng mà chúng ta đã thay đổi không ngờ và rút ra cho mình kinh nghiệm để giúp các lứa tuổi tiếp theo thêm phần mạnh mẽ, linh hoạt, uyển chuyển hơn trong các mối quan hệ.
Review sách:
Bạn chắc đã nghe đến góc phần tư cái bánh, góc phần tư căn nhà vậy đã bao giờ bạn nghĩ đến góc phần tư cuộc đời? “Góc Phần Tư – Nỗi buồn nuôi ta khôn lớn” Cuốn sách cho tôi liên tưởng và bất giác nghĩ rằng: “góc phần tư" đó cũng giống như một phần của bức tranh, muốn vẽ gì lên đó là quyền của mỗi người. Đó là góc phần tư đầu tiên của cuộc đời, là những tháng năm của tuổi trẻ, là những ước mơ, hoài bão, tình yêu, cố gắng theo đuổi, là sự mơ hồ, chênh vênh, là những thứ không định nghĩa được. Dù mỗi chúng ta có một cuộc sống riêng nhưng tuổi trẻ của tất cả vẫn sẽ có cái khung chung, ở đó là những vị ngọt bùi, cay đắng mà chỉ tuổi trẻ mới nếm được, là sự bắt đầu của nhiều thứ.
Từ đó, tôi dám chắc “góc phần tư” đầu của tác giả ở đây cũng có những câu chuyện mà khi đọc bạn cũng sẽ thấy mình đâu đó.” Đặc biệt, bản thân tôi ấn tượng với câu chuyện mà tác giả nhắc đến trong cuốn sách đó là: “ước mơ của trẻ con đôi khi thật nguy hiểm. Chỉ vì muốn mình biết gì và khao khát gì quá sớm mà đánh mất đi một thời thơ ấu. Mong sao lớn thật nhanh và già thật gấp để sở hữu điều mình mong muốn trong đời”. Bỗng dưng bản thân tôi như đứng lại khi đọc những dòng từ ngữ này và lại suy nghĩ về những ngày tháng ấy. Thú thật, phải chăng tôi là một trong số những đứa trẻ đấy? Chỉ mãi ước mình chóng lớn mà bỏ đi những giây phút đẹp nhất của cuộc sống ấu thơ.
Cuốn sách chấp bút bởi Trọng Huy - một người em đã bên nhau từ những ngày tuổi trẻ, tác giả trẻ nhưng đã bôn ba nhiều nơi, gặp nhiều chuyện khác nhau trong cuộc sống. Cốt truyện có lẽ cũng không quá mới mẻ nhưng nó cuốn hút tôi bởi sự mộc mạc, đơn giản, đời thường mà gần gũi với bản thân đến lạ, phải chăng đọc cuốn sách này giống như lắng nghe tâm sự từ một người bạn, một người đã đi qua và trân quý từng khoảnh khắc, để kể lại với những cảm xúc vẹn nguyên.
Thy Nga – Giám đốc V-Startup - Chủ nhiệm Nhiệm vụ Truyền thông hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia