Mô tả chi tiết
“Ta đã tìm kiếm không ngừng con đường thoát khổ vì ta không thể hài lòng với những con đường hứa hẹn thật nhiều nhưng chẳng giải quyết được bao nhiêu. Ta không thể chấp nhận một cái gì xa vời, hão huyền rời xa thực tế vì những điều này không ăn nhập gì đến đời sống hiện tại. Điều ta muốn tìm là con đường giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, vì ta biết khi tìm ra nó, người ta sẽ không còn đau khổ và đời sống sẽ là một ân sủng thay vì một sự phấn đấu khôn nguôi”. _ Satomi Myodo
Trong suốt 40 năm, tôi đã lang thang khắp Phù Tang tìm thầy học đạo. Tôi đã theo học với nhiều danh sư của các môn phái khác nhau nhưng không tìm được điều tôi muốn. Điều tôi muốn là con đường đưa đến sự chấm dứt mọi đau khổ, một con đường đã được khám phá hơn 2.500 năm nay nhưng mãi đến thời gian gần đây tôi mới ý thức được nó.
Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc tại sao một người sinh trưởng trong một quốc gia sùng mộ đạo Phật như Nhật Bản lại không biết đến điều này? Quả thật như thế, mặc dù vẫn đi chùa, tụng kinh, niệm Phật nhưng tôi như người ngủ mê, không ý thức một chút gì về con đường thoát khổ này. Giống như kẻ cùng tử (đứa con khốn cùng) trong kinh Pháp Hoa, có hạt châu quý trong túi áo mà không biết, cứ cam chịu cuộc sống nghèo hèn, thì tôi cũng thế, cứ mê mải tìm kiếm hết thầy này đến thầy khác, hết lý thuyết này đến lý thuyết nọ.
May thay, tôi đã gặp được thiền sư Yasutani và được ngài hướng dẫn, nhờ đó tôi mới ý thức được rằng cái khả năng giải thoát khỏi mọi sự đau khổ vốn sẵn có trong tôi mà tôi nào biết, cứ tìm kiếm mãi tận đâu đâu. Vì lẽ đó, tôi viết lại cuộc đời mấy chục năm gian nan tìm đạo này để mong những người vẫn còn đang mê mải tìm kiếm, hết thầy này đến thầy nọ, hết tông phái này đến lý thuyết kia, hãy mau chóng tỉnh ngộ, dừng lại, quay trở về với cái khả năng giải thoát sẵn có nơi mình.
Tỳ kheo ni Satomi Myodo
Tokyo, tháng 10 năm 1956
VỀ TÁC GIẢ
Ni sư Satomi Myodo (tục danh là Satomi Matsuno) sinh năm 1896, trong một gia đình nông dân nghèo tại Hokkaido. Không chấp nhận truyền thống cho rằng phụ nữ chỉ có thể là người vợ đảm, người mẹ hiền; ni sư quyết tâm tìm thầy học đạo. Trải qua nhiều khó khăn, tham cứu nhiều pháp môn nhưng ni sư vẫn không tìm được điều mình muốn.
Ni sư đã tu theo Thần đạo (Shinto), làm đồng cốt cho đền thờ Thánh Mẫu (Kami), và sau cùng chuyển qua tu thiền. Mặc dù siêng năng tu học nhưng ni sư vẫn không tiến bộ bao nhiêu cho đến khi gặp thiền sư Yasutani (Bạch Vân lão sư).
Dưới sự chỉ dẫn của vị này, ni sư đã kiến tánh và trở thành một trong những ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản. Ni sư đã đào tạo nhiều thế hệ học trò và có một tầm ảnh hưởng rất lớn trong giới tỳ kheo ni của Nhật ngày nay.
Ni sư qua đời vào năm 1978. Cuốn hồi ký Michi (tạm dịch: Hoa trôi trên sóng nước) là cuốn sách nói về cuộc hành trình tìm đạo đầy gian khổ kéo dài hơn bốn mươi năm của tác giả.
Khi tạp chí Phật học Kyosho khởi động loạt hồi ký này vào năm 1956, nó đã được các độc giả, nhất là độc giả nữ, say mê theo dõi. Lòng nhiệt thành và quyết tâm tìm đạo của ni sư là một tấm gương sáng cho tất cả những ai muốn bước chân vào cửa đạo. Ngoài ra, sự chứng đắc của ni sư đã đánh đổ quan niệm cổ hủ cho rằng chỉ có phái nam mới có thể thành công trên con đường tu học.