Năm 2001, Quốc hội Israel đã có một bước đi cấp tiến, vượt ra khỏi các tiến trình tư duy ngắn hạn, thường thấy ở các cơ quan Quốc hội bằng việc thành lập Ủy ban Vì các Thế hệ Tương lai. Dưới sự dẫn dắt của chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban, cựu thẩm phán Shlomo Shoham, tổ chức này đã thực hiện nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi của những công dân chưa ra đời giữa cuộc tranh đấu trên chính trường hiện nay.
Giống như bất kỳ cuộc thử nghiệm nào, thành công của cuộc phiêu lưu này mang lại những kết quả lẫn lộn. Theo thời gian, Shoham và đội ngũ cán bộ chuyên viên của ông đã gây dựng được ảnh hưởng thật sự trên một phổ chính sách rộng khắp, dù có những khi đề xuất của họ bị từ chối. Họ đã mang đến một góc nhìn khác, thường là gây tranh cãi – những tuyên bố đòi công lý liên thế hệ – tới các cuộc tranh luận vốn được định hình bởi những ý thức hệ đối nghịch, những bộ dữ liệu mâu thuẫn hoặc những nhóm lợi ích chính trị cạnh tranh.
Khi mà nỗi lo sợ về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng lớn, hệ thống tài chính chao đảo, các chương trình hưu trí mấp mé bên bờ vực phá sản và nhiều thất bại xảy ra trong hệ thống giáo dục, thì kinh nghiệm của Ủy ban càng trở nên cấp thiết trên toàn cầu. Nhưng chính trị, đến cuối cùng, vẫn là một nỗ lực thực tế. Các nhà hoạch định chính sách có thể đặt ra câu hỏi làm sao chúng ta có thể đo đếm và bảo vệ một tương lai còn chưa biết tới?
Shoham đã giải quyết câu hỏi này theo cách rất riêng và thuyết phục. Ông phát triển lý thuyết “Trí tuệ tương lai”, một phương tiện phát triển chính sách sáng tạo nhắm đến việc biến những mơ ước về một tương lai đáng khao khát thành những kế hoạch hành động thực tiễn. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách thường xuyên để cho chuỗi dài bất tận những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn che khuất những hệ lụy dài hạn. Ở “chế độ sinh tồn” này, khung tư duy và thấu cảm co hẹp lại chỉ còn bao gồm khung thời gian nhỏ nhất có thể. Shoham cho rằng cách duy nhất để thoát ra khỏi chiếc bẫy này là nỗ lực xây dựng, phê bình và cuối cùng là hiện thực hóa các ý tưởng của chúng ta về một tương lai tốt đẹp hơn một cách thận trọng, có hệ thống,.
Các ý tưởng của Shoham xuất phát từ phong trào phát triển bền vững, hiện đã đạt được những ảnh hưởng đáng kể trong giới làm chính sách môi trường. Tuy nhiên, Shoham đã vượt ra khỏi những quy chuẩn truyền thống của khái niệm này, ông không chỉ cho rằng nhu cầu của ngày mai phải được xem trọng như nhu cầu của ngày hôm nay, mà các nhà lãnh đạo của hôm nay còn phải áp dụng phương pháp năng nổ hơn khi xây dựng khái niệm về một tương lai tích cực. Ở cả cấp độ lý thuyết lẫn cấp độ thực hành, ông đã giải thích cách thức mà Ủy ban của ông có thể hiện thực hóa ý tưởng này trong giáo dục, y tế và các lĩnh vực chính sách khác.
Chắc chắn có rất ít nhà hoạch định chính sách ngày nay phủ nhận nhu cầu cần bảo tồn các nguồn lực quốc gia – như môi trường, kinh tế hay xã hội – để sử dụng trong tương lai. Tuy nhiên, gần như tất cả những gì mà các nhà hoạch định chính sách làm được chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi, quyền lợi của các thế hệ tương lai bị mất tăm trong những ồn ã của các hoạt động chính trị thường nhật. Ngược lại với cách làm đó, Shoham đưa ra một phương pháp đã được kiểm chứng, rút ra những bài học có thể áp dụng trên toàn cầu từ những kinh nghiệm thực tế của ông với Quốc hội Israel.
Israel Đã Kiến Tạo Tương Lai Như Thế Nào? là cuốn sách dành cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và công chúng có mối quan tâm đến vấn đề tương tự. Cuốn sách này dành cho tất cả những ai quan ngại rằng vấn đề toàn cầu hóa, tính phức tạp ngày càng tăng của việc quản lý kinh tế và chính trị, hay những biến đổi môi trường còn chưa được biết tới sẽ đe dọa đến tương lai của chúng ta. Một số độc giả có thể sẽ coi nó là cấp tiến, một số khác có thể coi nó là thông thường. Chúng tôi hy vọng dù thế nào nó cũng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người.
Alpha Books trân trọng giới thiệu!