Lá Mặt Lá Trái Trong Ngành Quảng Cáo
Quảng cáo nói láo?
Ở cương vị một người tiêu dùng, chắc chắn rằng bạn thường xuyên tức điên lên trước những mẹo mực và mánh khóe của các nhà quảng cáo: Đoạn quảng cáo truyền hình kéo dài 30 giây; nội dung quảng cáo dàn kín một trang báo; hoặc những lá thư trực tiếp, e-mail mời chào, và cả phiếu mua hàng giảm giá…
Bạn cho rằng tất cả những thứ đó đang vô duyên xâm lấn vào không gian riêng tư của bạn, và doanh nghiệp đang nói láo để “lòe” bạn mua những sản phẩm không đúng với lời giới thiệu trong quảng cáo.
Người dùng khó chiều?
Ở cương vị nhà quảng cáo, các nhà tiếp thị lại cho rằng: Người dùng thật “khó chiều” vì thông qua quảng cáo, họ chỉ đang tìm cách chia sẻ thông tin về sản phẩm/dịch vụ tới người mua mà thôi.
Họ biện minh cho cái mác “sáng tạo” bằng nỗ lực hết mình để tạo ra sự đột phá trong những sản phẩm trí tuệ của họ.
Ai đúng ai sai giữa một bên là những người tiêu dùng vẫn đang phụ thuộc vào quảng cáo để xem được nội dung truyền thông “miễn phí” và một bên là những con người sáng tạo và giàu đam mê, nhưng cũng đồng thời cảm thấy vô cùng hoang mang trong một thế giới mà số phận của nó đang bị đe dọa.
Trích đoạn/ nhận xét:
Trong đoạn phim quảng cáo ra mắt năm 1970, một nhóm diễn viên trẻ em đóng vai Louis Armstrong, Fiorello La Guard và Barney Pressman thời nhỏ ngồi chơi trên một bậc cầu thang ở New York rồi hỏi nhau lớn lên thích làm gì. Armstrong nói cậu muốn làm nhạc sĩ. La Guardia nói muốn làm thị trưởng của New York. Duy nhất có cậu bé Barney Pressman đeo kính ngồi im lặng, vì thế hai người bạn quay sang gặng hỏi: “Lớn lên cậu muốn làm gì, Barney?” Nhà sáng lập tương lai của chuỗi cửa hàng quần áo Barney dừng lại một chút để chỉnh kính rồi điềm đạm nói: “Tớ không biết. Nhưng tất cả đều sẽ cần quần áo”.
Trong suốt hơn ba thập niên, trong các cuốn sách cũng như chuyên mục Biên niên về Truyền thông viết cho tạp chí The New Yorker, tôi đều đặn viết về cơn bão số đã và đang quét qua lĩnh vực truyền thông. Tôi đã thử “lần theo dấu vết” để tìm hiểu nguồn cơn của những thiệt hại về kinh tế đã giáng xuống đầu các tờ báo, tạp chí, kênh truyền hình và phát thanh – tất cả đều chao đảo vì nguồn doanh thu từ quảng cáo bị thắt lại đột ngột, để rồi ào ạt chảy sang túi của những công ty kiểu Google, Facebook, cùng vô số công ty số mới ra đời khác. Chợt thấy văng vẳng đâu đây lời nói của cậu bé Barney Pressman thuở nào: “Tất cả đều sẽ cần đến quảng cáo và marketing”.
Có nhiều ước tính rất khác nhau về giá trị của ngành quảng cáo và marketing trên toàn thế giới, dao động trong khoảng 1000-2000 tỷ đô-la. Trong con số khổng lồ ấy, khoảng ba phần tư được xếp vào nhóm dành cho marketing. Thông thường, chúng ta không dùng kết hợp cả hai từ quảng cáo và marketing, mà chỉ đơn giản gộp chung thành “quảng cáo”. Sở dĩ như vậy là vì từ quảng cáo thông dụng hơn, và nếu lúc nào cũng phải nói cả hai khái niệm này cùng nhau thì thật dài dòng. Trên thực tế, quảng cáo và marketing có thể thay thế cho nhau. Tuy tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau, nhưng cả hai đều phải có thông điệp bán hàng đi kèm. Một đoạn quảng cáo trên truyền hình kéo dài 30 giây hay nội dung quảng cáo dàn kín một trang báo đều nhằm mục đích bán thứ gì đó, cũng đồng thời là thông điệp marketing. Một lá thư gửi trực tiếp, một thương hiệu mới được thiết kế lại, một e-mail mời chào hay một phiếu mua hàng giảm giá – tất cả đều được gom vào nhóm chi phí marketing, nhưng cùng lúc, chúng truyền tải thông điệp bán hàng của quảng cáo. Vì thế, cả hai nhóm này thực ra chỉ là một.
Nhưng quảng cáo và marketing, cũng như toàn bộ ngành truyền thông bấy lâu nay vẫn sống dựa vào chúng, đang trải qua một cơn chấn động mạnh trước làn sóng thay đổi đang ập đến, trầy trật tìm cách bán sản phẩm trên các thiết bị di động sao cho không gây phiền nhiễu đến người tiêu dùng, tìm cách tiếp cận thế hệ trẻ vốn đã quen tìm đủ cách để tránh né quảng cáo, tìm cách thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong thời đại không thiếu sự lựa chọn và khái niệm khán giả đại chúng gần như đã biến mất.
Trong vai trò một phóng viên, tôi thường quan tâm đến cả yếu tố gây đột phá và yếu tố bị đột phá. Cuốn sách đầu tay của tôi, The Streets Were Paved with Gold (tạm dịch: Đường phố lát vàng), xuất bản năm 1978, mô tả về sự kiện Thành phố New York hứng chịu cơn bão cấp 5 về kinh tế và xã hội đã hủy hoại cả một nền sản xuất, khiến tầng lớp trung lưu tại đây khốn đốn. Năm 1981, tôi tiếp tục tập trung vào những nạn nhân của sự thay đổi thông qua series ba bài viết trên The New Yorker, sau này được phát triển thành cuốn sách mang tựa đề The Underclass (tạm dịch: Tầng lớp dưới). Vào khoảng giữa thập niên 1980, tôi tới Phố Wall công tác một thời gian, kết quả là sự ra đời của cuốn sách Greed and Glory on Wall Street (tạm dịch: Lòng tham và vinh quang trên Phố Wall) – có thể coi đây là bài tường thuật trực tiếp từ chiến trường về lòng tham vô đáy và tai hại đã làm sụp đổ cả một gã khổng lồ như tập đoàn Lehman Brothers, một trong những công ty lâu đời nhất Phố Wall, đồng thời là tín hiệu cho thấy sự tham lam ở Phố Wall, nguồn gốc tạo ra các vụ bê bối về giao dịch nội gián mà quả đắng là những thảm họa như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Có thể nói vào thời điểm đó, tôi vẫn còn khá ngây thơ về sức mạnh kinh tế thực sự của ngành quảng cáo. Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi vào năm 1985, khi tôi bước chân vào hành trình thám hiểm kéo dài gần 6 năm trong thế giới mạng truyền hình để tìm tư liệu cho cuốn sách Three Blind Mice (tạm dịch: Ba chú chuột mù) viết về việc ba mạng truyền hình lớn – CBS, NBC và ABC – bị chao đảo trước cú đột phá của một công nghệ mới mang tên truyền hình cáp. Trọng tâm của câu chuyện đó là quảng cáo, bởi khác với truyền hình cáp, các mạng truyền hình phụ thuộc 100% vào quảng cáo. Vì vậy, khi biên tập viên Tina Brown đáng mến của The New Yorker đề xuất mở một chuyên mục định kỳ cho tạp chí với tên gọi Biên niên về Giải trí, tôi đã phản đối. Tôi nói với cô ấy rằng trong quá trình tìm hiểu để viết cuốn Three Blind Mice, tôi đã được thấy phần nào sự chuyển mình của ngành truyền thông, nên cần có một cái tên bao quát hơn cho chuyên mục đó – Biên niên về Truyền thông – bởi các studio, nhà sản xuất, đài truyền hình và các công ty số đang ngày càng lấn sân nhau.
Trong phần tư thế kỷ tiếp theo, sự thay đổi đáng báo động là chủ đề xuyên suốt trong nhiều bài báo cũng như các cuốn sách của tôi, và phông nền cho những câu chuyện trong đó thường chính là lĩnh vực quảng cáo, một chủ đề vẫn chưa được khám phá đầy đủ. Trong quá trình tìm hiểu để viết bài về Google cho The New Yorker, cũng là tiền đề cho cuốn sách Googled: The End of the World as We Know It (tạm dịch: Google: Sự kết thúc của thế giới như chúng ta biết), tôi được chứng kiến cuộc di dân của của các nhà quảng cáo từ truyền thông cũ sang truyền thông mới. Cuộc di dân này bắt đầu từ cuối thập niên 1990 rồi tăng tốc dần vào đầu thế kỷ mới, và không khó để nhận ra những tác động của nó. Cái khó thấy hơn là tác động của nó với chính bản thân ngành quảng cáo. Trong trí tưởng tượng của công chúng, chúng ta khi đó vẫn đang sống ở thời kỳ của Don Draper, nhưng tôi bắt đầu nhìn thấy ngày một rõ ràng hơn rằng lĩnh vực này, vốn có mối liên hệ mật thiết với cuộc đột phá vào nền tảng truyền thông cũ, cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn đe dọa đến sự tồn tại của nó.
Tìm hiểu lĩnh vực truyền thông mà không hiểu về quảng cáo và marketing – nguồn cung ứng nhiên liệu cho nó – cũng giống như tìm hiểu ngành sản xuất ô tô mà không để ý đến chi phí nhiên liệu. Sẽ là bất cẩn nếu một phóng viên chiến trường không thử tính toán xem liệu Tướng Patton có đủ xăng để đưa Binh đoàn Tăng số 3 đi xuyên nước Pháp vào năm 1944 hay không (ông ấy không có đủ xăng). Nhưng vấn đề sẽ không chỉ đơn thuần là sự bất cẩn nếu một phóng viên phụ trách mảng truyền thông lại không theo sát lĩnh vực quảng cáo và marketing trị giá lên tới 2.000 tỷ đô-la; bất kỳ ai dành ra một phút để nhìn vào núi tiền khổng lồ này đều sẽ nhận ra một sự thực không thể tránh khỏi: chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại mà thiếu marketing. Đúng vậy, marketing là một lực lượng thiếu thiện ý, luôn tìm cách thao túng cảm xúc của người tiêu dùng. Tôi cho rằng các độc giả của cuốn sách này sẽ có chung sự tức giận trước nhiều mẹo mực và mánh khóe mà các nhà tiếp thị áp dụng. Nhưng marketing có một mục đích tồn tại trong xã hội tự do, và sự trung thực về trí tuệ khiến chúng ta nhận ra những người muốn bán hàng cần tìm ra cách chia sẻ thông tin về họ với người tiêu dùng. Ở một nền kinh tế trong đó nhà nước không nắm vai trò thống trị, quảng cáo đóng vai trò cầu nối giữa người bán và người mua. Nghe có vẻ đây là một sự thực đã quá hiển nhiên, nhưng tôi cho rằng dẫu hiển nhiên, nó vẫn cần được nhắc đi nhắc lại. Và cây cầu đó hiện đang chòng chành bởi người tiêu dùng bực mình trước những quảng cáo vô duyên xâm lấn không gian riêng tư, trong khi họ vẫn phải phụ thuộc vào chúng để xem được nội dung truyền thông “miễn phí” hay được tài trợ. Nhìn từ góc độ này, người tiêu dùng là người bạn thiếu thiện chí, hay frenemy.
Khi đi sâu tìm hiểu thế giới này, chúng ta sẽ nhận ra thứ bị thay đổi ở đây không đơn thuần chỉ là dòng chảy của nguồn kinh phí cho hoạt động marketing. Bản thân cấu trúc của lĩnh vực quảng cáo đang bị tấn công mạnh mẽ trước sự xuất hiện của các đối thủ mới – bao gồm các công ty công nghệ, tư vấn, quan hệ công chúng và cung cấp nền tảng truyền thông – nhiều đối thủ trong số này bấy lâu nay vẫn kết liên minh với các hãng dịch vụ quảng cáo. Vậy là ngành quảng cáo từng yên ả một thời giờ đây phải chật vật chống đỡ những đòn tấn công của đội ngũ frenemy, tức những công ty vừa cạnh tranh vừa hợp tác với họ.
Suốt nhiều năm, tôi tìm hiểu lĩnh vực quảng cáo nhưng chỉ coi nó là một khía cạnh trong một câu chuyện khác mà tôi muốn kể. Thế rồi dần, từ lúc nào không hay, tôi chợt nhận ra mình sẽ học hỏi được nhiều điều nếu làm ngược lại và đi sâu vào lĩnh vực quảng cáo này, từ đó phóng tầm nhìn ra thế giới rộng lớn hơn ở bên ngoài – thế giới của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI), thuật toán và dữ liệu lớn đang đặt ra những vấn đề trọng yếu, trong đó có các vấn đề về quyền riêng tư, về việc liệu khoa học quảng cáo có thể thay thế nghệ thuật, về việc liệu các mối quan hệ có còn quan trọng nữa không và về việc liệu công dân có thể đọc tin tức hay không, nếu có thì ở đâu.
Cuốn sách này nhắc đến những nhân vật đại diện cho các điểm căng thẳng bên trong thế giới này. Bạn sẽ gặp những nghệ sĩ như Bob Greenberg, nhà sáng lập hãng dịch vụ quảng cáo R/GA, người thường xuyên chỉ trích những vị lãnh đạo tài ba như Martin Sorrell, CEO của WPP, công ty dịch vụ quảng cáo và marketing lớn nhất thế giới; các nhà khoa học, trong đó có các kỹ sư của Facebook và IBM, những người nhiệt tình tin tưởng các công cụ mà họ tạo ra; các khách hàng, như Keith Weed của Unilever hay Beth Comstock và Linda Boff của GE, những người phải đau đầu xử lý vấn đề niềm tin giữa khách hàng với hãng dịch vụ quảng cáo; và bạn sẽ gặp cả Michael Kassan, một con người lôi cuốn với biệt tài dựa vào các mối quan hệ để kết nối nghệ sĩ, nhà quản lý, khách hàng và nhà khoa học với nhau.
Cuốn sách này đặt mục tiêu tìm hiểu sâu hơn thế giới này. Tôi đã cố gắng đặt mình vào vị trí của nhiều nhân vật quan trọng và các frenemy trong thế giới marketing, cả thế giới cũ và thế giới mới, cả ở phía tạo đột phá lẫn phía bị đột phá. Đó là thế giới của những con người sáng tạo và giàu đam mê, cũng đồng thời là thế giới hỗn độn trong bầu không khí hoang mang. Quan trọng hơn cả, cuốn sách này là câu chuyện kể về một thế giới mà số phận của nó đang bị đe dọa, đồng thời lý giải vì sao số phận lại có ý nghĩa quan trọng với tất cả chúng ta.
Nhận xét của độc giả uy tín:
“Cuốn sách đầy lôi cuốn này lý giải một lần nữa tại sao Auletta được coi là phóng viên đại thụ với biệt tài khắc họa sức hấp dẫn lẫn khả năng thay đổi thế giới của truyền thông và truyền thông đại chúng trong kỷ nguyên ngày nay.” - WWalter Issacson
Về tác giả:
Ken Auletta phụ trách chuyên mục Biên niên sử về truyền thông cho tờ The New Yorker từ năm 1992. Ông là tác giả của 12 cuốn sách, trong đó có Three Blind Mice: How the TV Networks Lost Their Way; Greed and Glory on Wall Street: The Fall of The House of Lehman và World War 3.0: Microsoft and Its Enemies. Khi vinh danh ông là nhà phê bình truyền thông hàng đầu nước Mỹ, tạp chí Columbia Journalism cho biết, “không phóng viên nào có thể lột tả cuộc cách mạng truyền thông mới sắc nét như Auletta”.
Mua sách onlinetại Bookbuy.vn và nhận nhiều ưu đãi.