Người đàn bà trong cồn cát ra đời vào năm 1962, giữa thời kỳ nước Nhật đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và tái thiết mạnh mẽ. Thế nhưng đời sống công nghiệp hóa với tốc độ điên cuồng lại cuốn thân thể con người theo nhịp quay guồng máy, để lại một nội tâm lạc lõng không kịp thích ứng. Cuốn sách nói về những đấu tranh nội tâm của con người, những nỗi bất an, những câu hỏi xoay vần trong tâm trí, rằng có nên cố gắng hay từ bỏ, rằng mục đích của tất cả mọi công việc “lặp đi lặp lại” này là gì, rằng chúng ta đang đi về đâu… Để rồi cuối cùng, chúng ta phải đưa ra lựa chọn, hay kỳ thực ra là chúng ta không đưa ra lựa chọn, mà Thượng đế đã đặt lựa chọn vào tay chúng ta.
Cả câu chuyện như một đề bài mở, một đề bài mà mỗi chúng ta sẽ có một lời giải cho cuộc đời mình, tùy thuộc vào trải nghiệm và hoàn cảnh của mỗi người. Vẫn là Niki Jumpei – người đàn ông đi lạc, vẫn là cái kết ấy; nhưng sau cùng, anh đầu hàng hay thích nghi, đó hoàn toàn tùy thuộc vào lăng kính của độc giả. Và đó lại chính là cái hay, cái thú mà người ta tìm đến văn chương Abe Kobo, nơi mà bạn đọc có thể trả lời những câu hỏi của riêng mình.
Tóm tắt nội dung:
Những năm 60 của thể kỷ XX, khi mà nước Nhật đang trong thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ, tái thiết sau chiến tranh, Niki Jumpei, một giáo viên, một viên chức thành thị quyết định rời bỏ thành phố vài ngày để ngao du về một miền biển và thỏa mãn thú vui sưu tập côn trùng. Anh vô tình bị lạc vào trong một ngôi làng, nơi quanh năm hứng chịu những trận bão cát. Người dân nơi đây, để bảo vệ nơi ở của mình, mỗi ngày họ đều phải dọn cát, việc dọn cát đã trở nên thường thức hơn cả những nhu cầu cơ bản của con người.
Anh tá túc, hay nói đúng hơn là mắc kẹt ở nhà một thiếu phụ. Cuộc sống lặp đi lặp lại của dân làng nói chung và của người đàn bà kia nói riêng khiến anh cảm thấy tẻ nhạt đến phát ghét. Nhưng trớ trêu thay, ngôi nhà của người thiếu phụ lọt thỏm trong một hố cát mà ngay cả chị cũng không có ý định thoát ra. Niki cảm thấy bí bách và tù túng, anh cố để thoát ra khỏi cái hố khổ sở, nơi chỉ có một người đàn ông và một người đàn bà. Nhưng rồi anh lại bị dân làng bắt lại để tiếp tục công việc dọn cát.
Thời gian trôi đi, anh bắt đầu quen dần với lối sống của dân làng, những ý muốn trốn chạy khỏi thực tại cũng dần nhụt đi, anh đã bị áp đảo, đã bắt đầu nảy sinh những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mà anh từng xem lại địa ngục, anh lại bắt đầu thấy ổn trong cái hố khổ sở. Câu chuyện để lại những câu hỏi lớn cho người đọc. Phải chăng anh đã đầu hàng? Hay đó là một lựa chọn thích nghi?
Thông tin tác giả
Kōbō Abe (1924 – 1993) là một trong những tác gia quan trọng nhất của văn chương Nhật Bản thế kỷ XX.
Ông được sánh với Franz Kafka và Alberto Moravia về tính nhạy cảm theo trường phái hiện đại và tính siêu thực, với sự bùng cháy dữ dội của nhân cách trong xã hội đương đại.
Ở phương Tây, Kōbō Abe hết sức nổi tiếng với hai tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát (The Woman in the Dunes, 1962) và Khuôn mặt người khác (The Face of Another, 1964).
Phong cách của ông luôn tránh sự rườm rà trong diễn đạt; thay vào đó, ông chọn lối viết đơn giản để toát lên nỗi bận tâm về tư tưởng.
MUA SÁCH HAY TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU!