Kinh Thi và Kinh Dịch như đôi cánh của con chim nhạn mang chở định mệnh lịch sử của Trung hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn đông. Dịch trải rộng con đường cho những bước đi lịch nghiệm trong cuộc tồn sinh; Thi là tâm nguyện khẩn thiết và trung thực từ giữa chỗ sâu thẳm của tình người và lòng người, được mang ra để lịch nghiệm cuộc Lữ mà Dịch đã phơi bày ra đó. Âm hưởng của Thi là tiến vang của nhịp bước trong cuộc Lữ.
Nhưng thảm họa lịch sử, vì những tham vọng cuồng dại, si ngốc của con người, càng lúc càng đổ dồn lên cuộc Lữ. Thi đã đổi cách điệu, trở thành những âm vang thống thiết của Ly tao kinh. Cuộc Lữ trở thành cuộc đày ải; Thi cũng trở thành ẩn tình hoài vọng Quê Hương; hoài vọng những phương trời viễn mộng của Quê Hương. Một lúc nào đó, Cuộc Lữ bị vây phủ trong trận đồ mù mịt của tư tưởng, Thi là chứng tích sa đọa của một thời. Buổi thịnh triều rầm rộ nhà Đường, Thi như một con thuyền biểu diễn tất cả tài hoa của nó trên ba đào lịch sử, giữa một đại dương rập rình hiểm họa. Nó vẫn đủ khả năng đưa người vào lục địa hay lướt sóng đi về vô tận khơi vơi hoằng viễn. Nhưng cũng có thể âm thầm xô ngã vô số người say sóng. Lý Bạch là một trong những tay lái cự phách, và có thể là nhất. Lãng đãng với tài hoa vừa lãng mạn vừa kiêu hùng nên quyến rũ và tạo ra một trường say sóng. Say trong một buổi tiệc, lượm lặt những vật phế khí của trời đất, để thống ẩm cuồng ngôn. Gậy lục ngọc của Lý Bạch được mượn để gõ lên đầu lịch sử, đẩy lịch sử đi vào mê cung bát trận đồ. Chỗ hay không bù lại chỗ dở; cái được không thấm vào đâu với cái mất. Thi ca khai diễn một trường hưởng thụ cho những tay đầu cơ lịch sử có hạng.
Cái đó chỉ là dự tưởng về những chuyện có thể có cho Thơ mà thôi, nên khỏi phải nói dài dòng.
Thơ vẫn là một cuộc lịch nghiệm Riêng và Chung, của thời đại và lịch sử. Từ cuộc Riêng, Thơ nương theo đôi cánh Thi và Dịch để đi về nơi hoằng viễn, dẫn lịch sử Uyên nguyên tụ hội với thời đại. Hình như những sự này tôi nghe được từ nơi thơ của Đông Pha, có nghe lộn hay không thì không biết. Nhưng cứ xin lấy chỗ nghe được đó để bố trí cho quyển sách này.
(TỰA_Tuệ Sỹ)