Dù đã không còn tồn tại từ lâu, nhưng vương quốc cổ Champa đã để lại trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nước ta nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Trong những di sản đó, lớn nhất, giá trị nhất và phong phú nhất là di sản tượng cổ. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, các pho tượng cổ Champa đang được lưu giữ và trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trong và ngoài nước: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (nước Pháp)…Thế nhưng, để giải mã được những hình tượng và để xác định được niên đại của từng bức tượng, rồi xâu chúng vào thành chuỗi ngọc đẹp tượng cổ Champa, một trong những chuỗi ngọc điêu khắc cổ đẹp nhất và giá trị nhất của khu vực Đông Nam Á, thì biết bao nhiêu công sức và trí tuệ của các nhà nghiên cứu đã phải bỏ ra trong suốt hơn một trăm năm qua.
Ngay từ khi được tiếp xúc và được biết đến vào cuối thế kỷ XIX, các chuyên gia về lịch sử nghệ thuật của nước Pháp đã bắt đầu những công việc khảo cứu và bảo tồn những ngôi đền tháp và những pho tượng cổ của Champa. Và, chỉ sau một thời gian ngắn, đến đầu thế kỷ XX, những di tích, những hiện vật bị đổ nát và bị lãng quên của vương quốc cổ Champa đã được thống kê, khảo tả, phân tích và nghiên cứu một cách chi tiết, toàn diện và hệ thống trong hai công trình nổi tiếng của kiến trúc sư người Pháp H. Parmentier: Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Annamvà Danh mục Bảo tàng Chàm Đà Nẵng. Trong hai công trình của mình, H. Parmentier không chỉ thống kê và khảo tả hầu hết những hiện vật điêu khắc đã được phát hiện, mà còn cố gắng xác định niên đại và phong cách cho chúng. Dựa vào niên đại của các bia ký cũng như những kiểu thức kiến trúc của các đền tháp, H. Parmentier chia lịch sử nghệ thuật Champa ra làm hai thời kỳ cùng những phong cách kế tiếp nhau. Thời kỳ thứ nhất (từ thế kỷ VII đến hết thế kỷ X) gồm: nghệ thuật nguyên thủy (thế kỷ VII đến IX), nghệ thuật hình khối (từ đầu thế kỷ VIII đến đầu nửa sau thế kỷ IX) và nghệ thuật hỗn hợp (từ phần thứ hai nửa sau thế kỷ IX đến hết thế kỷ X). Và, thời kỳ thứ hai bắt đầu từ thế kỷ XI đến kết thúc nghệ thuật cổ Champa (thế kỷ XVI) gồm: nghệ thuật cổ điển và nghệ thuật biến loại nối tiếp nghệ thuật nguyên thủy của thời kỳ trước (1)
Gần bốn chục năm sau, vào năm 1942, chủ yếu dựa trên những khảo tả kiến trúc đền tháp của H. Parmentier, bằng phương pháp nghiên cứu phong cách của các bộ phận và họa tiết trang trí kiến trúc, nhà nghiên cứu người Pháp P. Stern đã làm cuộc cách mạng quan trọng trong nghiên cứu nghệ thuật Champa. Theo kết quả nghiên cứu của P. Stern, lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Champa đã tuần tự trải qua các phong cách và giai đoạn sau: 1. Phong cách Mỹ Sơn E.1 hay phong cách cổ (từ đầu thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX); 2. Phong cách Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ IX); 3. Phong cách Đồng Dương (nửa sau thế kỷ IX); 4. Phong cách Mỹ Sơn A.1 (đầu X – đầu XI); 5. Phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A.1 sang phong cách Bình Định (nửa đầu XI – giữa XII); 6. Phong cách Bình Định (giữa XII – XIII); 7. Phong cách muộn (đầu XIV – XVII) (2). Thế nhưng, cũng như kết quả của H. Parmentier, bảng phong cách và niên đại của P. Stern, về thực chất là của nghệ thuật kiến trúc đền tháp Champa. Ngay trong công trình nghiên cứu của mình, P. Stern cũng chỉ dành một chương nhỏ, mà lại đặt ở phần phụ lục, cho việc phân tích và áp những tác phẩm điêu khắc vào các phong cách nghệ thuật chung mà mình đã vạch ra. Và, từ thời điểm năm 1942 đến nay, bảng phong cách và niên đại nghệ thuật Champa của P. Stern được các nhà chuyên môn trên thế giới chấp nhận.
Dựa trên những phương pháp và kết quả mà người thầy P. Stern đã áp dụng và đã đạt được, J. Boisselier tiếp tục đi sâu nghiên cứu mảng nghệ thuật tượng Champa vừa mới được khởi xướng và đặt nền móng. Và, đến năm 1963, J. Boisselier đã công bố công trình nghiên cứu đồ sộ của mình: “Nghệ thuật tượng Champa, nghiên cứu về thờ phụng và tiếu tượng học”(1). Có thể nói, chỉ đến J. Boisselier, thì chuỗi ngọc tượng cổ Champa mà P. Stern bước đầu tạo dựng nên đã được hoàn thiện và chi tiết hóa tới từng phong cách nhỏ và từng tác phẩm được biết cho đến lúc đó (năm 1963). Theo J. Boisselier, nghệ thuật tượng Champa đã được hình thành và phát triển qua các giai đoạn và phong cách sau: 1. Giai đoạn trước thế kỷ VII; 2. Phong cách Mỹ Sơn E.1 (thế kỷ VII – giữa VIII); 3. Phong cách Hòa Lai (giữa thế kỷ VIII – giữa IX); 4. Phong cách Đồng Dương (nửa sau thế kỷ IX); 5. Phong cách Khương Mỹ (cuối IX – đầu X); 6 .Phong cách Trà Kiệu (thế kỷ X); 7. Phong cách Chánh Lộ (thế kỷ XI); 8. Phong cách Tháp Mắm hay Bình Định (thế kỷ XII – XIII); 9. Phong cách Yang Mun (thế kỷ XIV – XV) và 10. Phong cách Po Rome (từ 1471 đến XVII). Và, từ năm 1963 đến nay, với những kết quả nghiên cứu của J. Boisselier, cả thế giới đã biết tới một cách khá đầy đủ và hệ thống về chuỗi ngọc tượng cổ Champa, một trong những chuỗi ngọc tượng cổ có một lịch sử xưa nhất, liên tục nhất và dài nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Kể từ giữa thế kỷ XX, vì nhiều lý do khác nhau, công việc thống kê, khảo cứu và phát hiện thêm các di tích và di vật cổ Champa đã phải dừng lại. Trong suốt mấy thập niên liên tục, ngoài công trình nghiên cứu của J. Boisselier ra, hầu như không có một nghiên cứu và phát hiện nào đáng kể về tượng cổ Champa xuất hiện. Thế nhưng, sau khi chiến tranh kết thúc và đất nước thống nhất, công việc phát hiện, thống kê, nghiên cứu và bảo tồn các di vật (trong đó có các tượng cổ) Champa đã được khởi động trở lại và tiếp tục phát triển cho đến ngày hôm nay. Và, trong hơn bốn mươi năm qua (từ 1975 đến nay), các nhà khoa học, các cán bộ chuyên môn của Việt Nam tại các Viện nghiên cứu, các cơ quan và ban ngành phụ trách bảo tồn và bảo tàng ở trung ương và ở các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) đã phát hiện được rất nhiều những hiện vật kiến trúc và điêu khắc Champa. Những hiện vật mới này được phát hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: qua các cuộc điều tra và thám sát các di tích cổ Champa của ngành văn hóa các địa phương; qua các lần dọn dẹp hoặc khai quật khảo cổ để phục vụ công việc bảo vệ hay tu bổ các di tích; qua những phát hiện ngẫu nhiên của nhân dân… Có thể kể ra đây một số lần phát hiện lớn: Phát hiện khu phế tích cùng nhiều hiện vật kiến trúc và điêu khắc ở An Mỹ (tỉnh Quảng Nam) vào năm 1982; phát hiện được hàng trăm bức tượng và hiện vật điêu khắc đá tại Chiên Đàn (Quảng Nam) trong những lần khai quật phục vụ công việc trùng tu di tích vào các năm 1989 và 2000; cuộc khai quật tháp Dương Long (Bình Định) đã đưa lên mặt đất gần 2.000 hiện vật trang trí kiến trúc và điêu khắc bằng đá; cuộc khai quật phế tích Núi Bút (thành phố Quảng Ngãi) vào tháng 2 và 3 năm 2017 đã phát hiện được bộ Linga – Yoni cùng nhiều hình chạm khắc đá và đất nung…(1)
Trong hơn bốn mươi năm qua, vì lý do chuyên môn và công việc, tôi đã được tham gia nhiều cuộc điều tra các di tích và di vật Champa tại một số tỉnh miền Trung, đã được cùng phụ trách một vài cuộc khai quật các phế tích đền tháp Chăm… Vì vậy, tôi đã được thấy và được nghiên cứu tại chỗ hầu hết những hiện vật và tượng cổ Champa ngay sau khi chúng được phát hiện. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, trong đó có tôi, những hiện vật cổ (trong đó có các bức tượng và các hình phù điêu) Champa được tìm thấy và phát hiện từ sau năm 1975 là rất nhiều và rất phong phú. Hơn thế nữa, trong những hiện vật mới được phát hiện, không ít những pho tượng xứng đáng được xếp vào danh sách những kiệt tác của nghệ thuật Champa. Không phải ngẫu nhiên mà, trong số 21 hiện vật điêu khắc và tượng cổ Champa đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia (từ năm 2012 đến 2018 qua bảy đợt), thì 14 bức tượng và hiện vật là mới được phát hiện sau năm 1975 và chỉ có 7 là hiện vật và tượng cũ. Ngoài ra, thật đặc biệt, vì những lý do liên quan đến việc phát hiện và quản lý, tất cả 14 bảo vật quốc gia này đều được bảo vệ và trưng bày tại bảo tàng của các tỉnh: ba bảo vật (lá nhĩ Surya Trà Liên, lá nhĩ Siva – Uma Trà Liên và tượng Uma Dương Lệ) tại Bảo tàng Quảng Trị, một bảo vật (đài thờ Vân Trạch Hòa) – Bảo tàng Thừa Thiên Huế, một bảo vật (tượng đồng Lakshmindra-Lokesvara Đồng Dương) – Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, một bảo vật (Mukhalinga Mỹ Sơn) – Bảo tàng Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), một bảo vật (kosa mang đầu thần Siva Phú Long) – Bảo tàng Quảng Nam, một bảo vật (tượng Siva Phú Hưng) – Bảo tàng Quảng Ngãi, bốn bảo vật (lá nhĩ Mahishamardini Núi Cấm, lá nhĩ Brahma Dương Long và hai tượng Garuda Tháp Mắm) – Bảo tàng Bình Định, một bảo vật (tượng Siva Linh Sơn) - chùa Linh Sơn (do Bảo tàng Bình Định quản lý) và một bảo vật (phù điêu hình Phật Tây Nguyên) – Bảo tàng Gia Lai. Chắc chắn là, trong những năm tới, sẽ còn có thêm những hiện vật điêu khắc và những bức tượng cổ Champa mới phát hiện từ sau năm 1975 được ghi danh là những Bảo vật Quốc gia.
Ngoài việc tham gia các cuộc điều tra di tích và các cuộc khai quật khảo cổ các phế tích, trong hơn bốn mươi năm qua, tôi còn liên tục công bố những kết quả nghiên cứu của mình về nhiều pho tượng và hiện vật điêu khắc Champa mới được phát hiện trong nhiều bài viết và một vài cuốn sách. Và, gần đây, trong công trình “Nghệ thuật Champa – câu chuyện của những pho tượng cổ” xuất bản năm 2014, tôi đã dành cả phần thứ ba (phần cuối) cuốn sách cho những nghiên cứu của tôi về 14 pho tượng và hiện vật điêu khắc Champa mới được phát hiện từ sau năm 1975. Sau năm 2014, tôi tiếp tục đi sâu giải mã, phân tích và đánh giá thêm nhiều tượng cổ Champa nữa. Giờ đây, tôi nhận thấy là đã có thể tổng hợp lại toàn bộ những khảo cứu cụ thể và chi tiết của bản thân về những pho tượng cổ và hiện vật điêu khắc Champa được phát hiện từ sau năm 1975 vào một công trình riêng. Vì hơn một chục khảo cứu của tôi về những hiện vật và pho tượng mới phát hiện đã được công bố vào năm 2014 trong cuốn sách Nghệ thuật Champa – câu chuyện của những pho tượng cổ. Cho nên, để hoàn thành công trình mới, ngoài những phần viết mới, tôi có sử dụng, sau khi đã chỉnh sửa và rút ngắn, những chương viết của cuốn sách “Nghệ thuật Champa…”. Đó là lý do ra đời của cuốn sách này. Sở dĩ cuốn sách có tên là Tượng cổ Champa – Những phát hiện gần đâylà vì tôi muốn giới thiệu trong cuốn sách của mình nền nghệ thuật Champa chủ yếu thông qua những pho tượng, tức là những tác phẩm. Bằng cách diễn đạt này, chúng tôi nhận thấy là sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích, đánh giá và giới thiệu được đến bạn đọc những giá trị rộng hơn, cả về văn hóa và nghệ thuật, của những pho tượng Chăm mới được biết đến và mới được phát hiện, cũng như trong việc xâu những pho tượng mới này vào chuỗi ngọc nghệ thuật điêu khắc Champa đã được xác định và chấp nhận. Và, để bạn đọc dễ theo dõi và phần nào cũng phù hợp với đặc thù phát hiện của những pho tượng, chúng tôi bố cục cuốn sách thành ba phần chính. Phần thứ nhất là những chương viết về những pho tượng và hiện vật điêu khắc được phát hiện tại khu vực Bắc Hải Vân. Phần thứ hai gồm các chương viết về các pho tượng và hiện vật điêu khắc được phát hiện tại khu vực Nam Hải Vân. Và, cuối cùng, phần thứ ba gồm các chương viết về các pho tượng mới được các nhà khảo cổ học và nhân dân phát hiện, đưa lên khỏi lòng đất từ sau năm 1975 tại khu vực tỉnh Bình Định, vùng đất trung tâm của vương quốc Champa trong suốt nhiều thế kỷ.
Hy vọng rằng, sau cuốn sách Nghệ thuật Champa – câu chuyện của những pho tượng cổ xuất bản năm 2014, Tượng cổ Champa – những phát hiện gần đây sẽ góp phần đáp ứng được những nhu cầu tìm hiểu của đông đảo bạn đọc về nền nghệ thuật cổ đặc sắc Champa.
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2019
PGS. TS. Ngô Văn DoanhSách Tượng Cổ Champa - Những Phát Hiện Gần Đây của tác giả PGS. Ngô Văn Doanh, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark