Mô tả chi tiết
Tài chính tốt và xã hội tốt - Robert J. Shiller
Cuốn cẩm nang kinh tế dành cho:
- Hàng nghìn sinh viên ở khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị theo học các khóa học về chuyên ngành kinh tế và tài chính tại các trường đại học.
- Hàng vạn thanh niên sắp bắt đầu các công việc có liên quan đến hoạt động tài chính.
- Hàng triệu chuyên gia ngân hàng, kế toán viên, luật sư, chuyên gia đầu tư ngân hàng, chuyên viên bảo hiểm, nhà điều tiết tài chính, các tập đoàn, tổ chức phi lợi nhuận, cơ quan quản lí tài chính..
- Hàng tỉ bạn đọc yêu thích và tìm hiểu đến lĩnh vực tài chính - kinh tế.
Lời dẫn
"Chúng ta có gì trong một cuốn sách với tên gọi "Tài Chính Và Xã Hội Tốt?" Một số độc giả có thể thấy đây là sự kết hợp không đồng nhất của các khái niệm.
Từ "tài chính" thường được coi là ngành khoa học và thực hành về quản lí tài sản - về việc mở rộng các danh mục đầu tư, quản lí rủi ro và nghĩa vụ thuế của các doanh mục đó, đảm bảo rằng người giàu sẽ giàu hơn. Chúng ra sẽ xem xét lại - và thách thức - định nghĩa này sau trong phần này.
Cụm từ "xã hội tốt" là một thuật ngữ được thế hệ các nhà triết học, nhà sử học và nhà kinh tế sử dụng để mô tả loại hình xã hội chúng ta mong muốn; nó thường được hiểu là một xã hội bình đẳng, trong đó mọi người tôn trọng và đề cao người khác.
Vì vậy, thoạt nhìn "tài chính", ít nhất là theo cách hiểu thông thường, dường như đang chống lại việc đạt được một xã hội tốt.
Tuy nhiên, tài chính không đơn giản như vậy...
... Nhiều người tự hỏi tài chính có vai trò gì trong xã hội tốt? Là một ngành khoa học, một thực hành, nguồn đổi mới kinh tế, tài chính có thể được sử dụng như thế nào để thúc đẩy các mục tiêu của xã hội tốt? Tài chính có thể thúc đẩy tự do, thịnh vượng, bình đẳng và an ninh kinh tế bằng cách nào? Chúng ta có thể dân chủ hóa tài chính như thế nào để tài chính hoạt động tốt hơn cho tất cả chúng ta?
Tác phẩm
Tài chính và xã hội tốt, cuốn sách dành cho hàng nghìn sinh viên ở khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị theo học các khóa học về chuyên ngành kinh tế và tài chính tại các trường đại học, hàng vạn thanh niên sắp bắt đầu các công việc có liên quan, ở một khía cạnh nào đó, đến hoạt động tài chính.
... Dù thế hệ sinh viên và chuyên gia trẻ trong các lớp học, các tập đoàn, tổ chức phi lợi nhuận, cơ quan quản lí hiện nay không có gì đặc biệt nhưng những năm gần đây có điều gì đó rất mới về nét văn hóa mà họ sẽ học được. Nghĩa là vai trò của các công nghệ tài chính mới trong việc gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người, đồng thời cũng là vấn đề cần được nghiên cứu chuyên sâu.
Cuốn sách gồm hai phần chính và một phần giới thiệu. Phần giới thiệu đưa ra bối cảnh của chủ nghĩa tư bản tài chính trong lịch sử hiện đại và xã hội toàn cầu, nhấn mạnh đến tính trung tâm của các đổi mới tài chính, từ thị trường chứng khoán đến thị trường thế chấp, trong việc góp phần đạt được tất cả các mục tiêu lâu dài khác nhau của con người và vai trò “quản lí” tài sản xã hội của ngành tài chính. Phần 1, “Vai trò và Trách nhiệm”, tiếp tục xây dựng vai trò của các chuyên gia tài chính - gồm các chuyên gia ngân hàng, kế toán viên, luật sư, chuyên gia đầu tư ngân hàng, nhà điều tiết và nhiều người khác - khi thực hiện vai trò của mình trong xã hội tốt. Phần 2, “Tài chính và những bất mãn”, được viết từ một góc nhìn khác, đưa ra một loạt câu hỏi về đạo đức và bản chất của tài chính trong một xã hội đang phát triển.
Tài chính và xã hội tốtcó vai trò là sách giáo khoa giúp chỉ rõ sự tương quan của tài chính hiện đại và đặt ra các câu hỏi về vai trò kinh tế và xã hội của nó.
"Tài chính từ lâu đã là trung tâm của các nền dân chủ thị trường phát triển và đó là lí do tại sao các vấn đề hiện tại của nó cần được giải quyết. Với hiểu biết về tính liên kết và nhu cầu đa dạng của con người, các bạn có thể làm được điều đó. Thật vậy, đó là thách thức nghề nghiệp thực sự, các bạn nên nắm lấy và coi đó như một cơ hội.
Các chuyên gia tài chính trẻ cần tự làm quen với lịch sử của ngành ngân hàng và nhận ra rằng ngân hàng hoạt động tốt nhất khi phục vụ các lĩnh vực không ngừng mở rộng của xã hội. Phong trào ngân hàng tiết kiệm tại Vương quốc Anh và châu Âu vào thế kỉ XIX và phong trào tài chính vi mô do Ngân hàng Grameen ở Bangladesh tiên phong trong thế kỉ XX đã xuất hiện tại nước Mĩ. Ngày nay cách tốt nhất để phát triển là cập nhật công nghệ tài chính và truyền thông, để cung cấp đầy đủ dịch vụ ngân hàng cho tầng lớp trung lưu và tầng lớp nghèo.
Trong lĩnh vực ngân hàng thế chấp, sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt với một thách thức khác nhưng cũng khá quan trọng: thiết kế các khoản cho vay mới, linh hoạt để giúp chủ sở hữu nhà đứng vững trước tình trạng bất ổn kinh tế hiện đã chôn vùi hàng triệu người trong nợ nần.
Về phần mình, các chuyên gia ngân hàng đầu tư trẻ có cơ hội tuyệt vời để tạo ra nhiều hình thức đầu tư mạo hiểm hơn thông qua các trang web huy động vốn từ công chúng hiện đại để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, tân binh trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ luôn có cơ hội để tìm ra những phương thức phòng ngừa rủi ro mà chúng ta vẫn luôn lo ngại và điều đó thực sự quan trọng - những vấn đề liên quan đến việc làm, sinh kế và giá trị gia đình của chính họ.
Ngoài các ngân hàng đầu tư và các nhà môi giới, tài chính hiện đại có một khía cạnh liên quan đến công chúng và chính phủ, rõ ràng cần được xây dựng lại sau cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Thiết lập quy tắc cho một ngành tài chính vững mạnh, hữu ích về mặt xã hội chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Sinh viên mới tốt nghiệp được chào đón trong các cơ quan lập pháp và hành chính để phân tích hạ tầng pháp lí của tài chính và điều chỉnh nó, mang lại những kết quả tốt nhất cho xã hội.
Các nhà lãnh đạo chính trị thế hệ mới cần phải hiểu tầm quan trọng của kiến thức về tài chính và tìm cách cung cấp cho người dân những lời khuyên về pháp lí và tài chính. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách kinh tế phải đối mặt với thách thức to lớn để thiết kế các định chế tài chính mới như hệ thống lương hưu và quyền lợi công dựa trên cơ sở chia sẻ rủi ro liên thế hệ.
Các bạn, những người quyết định sẽ trở thành nhà kinh tế học và học giả tài chính cần có hiểu biết tốt hơn về hiện tượng bong bóng tài sản - và đưa ra những phương thức tốt hơn để truyền đạt hiểu biết này tới ngành tài chính nói riêng và công chúng nói chung. Tương tự vai trò của Phố Wall trong cuộc khủng hoảng hiện tại, cuộc khủng hoảng bắt đầu với niềm tin rằng giá nhà đất không thể giảm - niềm tin có tính lây lan xã hội rất nhanh và rộng khắp. Biết cách phát hiện và giải quyết những hiện tượng bong bóng như vậy trước khi chúng xâm nhập vào toàn bộ nền kinh tế sẽ là thách thức to lớn cho các học giả tài chính thế hệ tiếp theo.
Được trang bị những ý tưởng tài chính tinh vi, từ mô hình định giá tài sản vốn đến các công thức định giá phức tạp, các bạn chắc chắn muốn phát triển sự nghiệp sẽ được tặng thưởng xứng đáng về mặt vật chất. Điều này không có gì đáng xấu hổ và thành công về mặt tài chính sẽ phản ánh mức độ hiệu quả của bạn trong việc tạo ra kết quả to lớn cho công ti tuyển dụng bạn. Tuy nhiên dù không thể thấy được, phần thưởng cho thành công tại Phố Wall và trong lĩnh vực tài chính nói chung đang thay đổi, cũng như định nghĩa về tài chính phải thay đổi nếu muốn khôi phục lại vị thế của mình trong xã hội và lòng tin của người dân và các nhà lãnh đạo.
Tài chính, với khả năng tốt nhất của mình, không chỉ đơn thuần là quản lí rủi ro mà còn đóng vai trò là người quản lí tài sản của xã hội và là người ủng hộ những mục tiêu sâu xa nhất của xã hội. Ngoài thù lao, các chuyên gia tài chính thế hệ tiếp theo sẽ được hưởng những phần thưởng xứng đáng nhất đi kèm những thành tựu đạt được khi dân chủ hóa tài chính - bao gồm mở rộng lợi ích của tài chính đến những nơi cần đến chúng nhất. Đây là thách thức mới cho thế hệ mới, đòi hỏi tất cả trí tưởng tượng và kĩ năng mà các bạn có". (TríchLời nói đầu dành cho sách bìa mềm, Tài chính và xã hội tốt,Robert J. Shiller, Nxb Tri Thức, 2020).
Mục lục
Lời nói đầu dành cho sách bìa mềm
Lời nói đầu
Lời cảm ơn
Giới thiệu:Tài chính, Vai trò quản lí và Mục tiêu của chúng ta
Phần 1.Vai trò và Trách nhiệm
Chương 1:Giám đốc điều hành
Chương 2:Nhà quản lí đầu tư
Chương 3:Chuyên gia ngân hàng
Chương 4:Chuyên gia ngân hàng đầu tư
Chương 5:Nhà cho vay thế chấp và nhà phát hành chứng khoán thế chấp
Chương 6:Thương nhân và những người tạo lập thị trường
Chương 7:Chuyên gia bảo hiểm
Chương 8:Nhà thiết kế thị trường và kĩ sư tài chính
Chương 9:Nhà cung cấp công cụ phái sinh
Chương 10:Luật sư và cố vấn tài chính
Chương 11:Nhà vận động hành lang
Chương 12:Nhà điều tiết quy định
Chương 13:Kế toán viên và kiểm toán viên
Chương 14:Nhà giáo dục
Chương 15:Nhà tài chính công
Chương 16:Nhà hoạch định chính sách chịu trách nhiệm ổn định kinh tế
Chương 17:Người được ủy thác và nhà quản lí tổ chức phi lợi nhuận
Chương 18:Nhà từ thiện
Phần 2.Tàichính và những bất mãn
Chương 19:Tài chính, Toán học và Cái đẹp
Chương 20:Phân loại con người: Nhà tài chính so với nghệ sĩ
Chương 21:Động lực chấp nhận rủi ro
Chương 22:Động lực làm theo tập quán và những gì quen thuộc
Chương 23:Nợ và Đòn bẩy
Chương 24:Một số động cơ hướng tới sự mờ ám
Chương 25:Vai trò của đầu cơ tài chính
Chương 26:Bong bóng đầu cơ và chi phí xã hội
Chương 27:Bất bình đẳng và bất công
Chương 28:Các vấn đề xung quanh hoạt động từ thiện
Chương 29:Phân tán quyền sở hữu vốn
Chương 30:Ảo tưởng lớn, Ngày xưa ngày nay
Lời kết:Tài chính, Quyền lực và Giá trị Con người
Tài liệu tham khảo
Chú dẫn
Điểm nhấn
"Tài chính, với khả năng tốt nhất của mình, không chỉ đơn thuần là quản lí rủi ro mà còn đóng vai trò là người quản lí tài sản của xã hội và là người ủng hộ những mục tiêu sâu xa nhất của xã hội. Ngoài thù lao, các chuyên gia tài chính thế hệ tiếp theo sẽ được hưởng những phần thưởng xứng đáng nhất đi kèm những thành tựu đạt được khi dân chủ hóa tài chính - bao gồm mở rộng lợi ích của tài chính đến những nơi cần đến chúng nhất. Đây là thách thức mới cho thế hệ mới, đòi hỏi tất cả trí tưởng tượng và kĩ năng mà các bạn có".
Tác giả
Robert J. Shiller (sinh năm 1946), Giáo sư Kinh tế tại Đại học Yale. Ông tốt nghiệp Đại học Michigan năm 1967, nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts năm 1972. Ông đoạt Giải Nobel Kinh tế năm 2013 cùng với Eugene Fama và Lars Peter Hansen.
Robert J. Shiller là tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng viết về thị trường tài chính, đổi mới tài chính, kinh tế học hành vi, kinh tế vĩ mô, bất động sản, phương pháp thống kê, về thái độ, quan điểm và đánh giá đạo đức của công chúng với thị trường.
Một số tác phẩm nổi bật:
-Market Volatility (Biến động thị trường) - 1989
-Macro Markets (Thị trường vĩ mô) - 1993
-The New Financial Order: Risk in the 21st (Trật tự tài chính mới: Rủi ro trong thế kỉ 21) - 2003
-Irrational Exiberance (Hưng phấn bất hợp lí) - 2000
-The Subprime Solution (Giải pháp cho vay dưới chuẩn - 2008
-Animal Spirits (Tâm lí bầy đàn - 2009 (Cùng với George A.Akerlof).
Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu bạn đọc !