Khi viết tiểu thuyết “Tuyết đỏ”, tôi vẫn hằng ấp ủ tham vọng xây dựng những mê cung tình tiết đủ sức li kì, gay cấn để cuốn độc giả tham gia vào cuộc đấu trí căng thẳng nhằm tìm ra hung thủ sát hại cô sinh viên Thảo Nguyên, ẩn sau những vật chứng tưởng chừng như đã rất rõ ràng, mạch lạc.
Nhưng càng bước đi, nỗi hoài nghi lại càng thêm khoăn khoải. Sử dụng kết cấu tiểu thuyết lồng tiểu thuyết, câu chuyện được triển khai theo hai mạch tự sự chính đan xen nhau: Mạch thứ nhất quá trình điều tra vụ án đầy trăn trở, gian nan, hiểm nguy và ngột ngạt của những sĩ quan Cảnh sát đội Trọng án thông qua điểm nhìn của trung úy Phan Hà.
Mạch thứ hai là những dòng hồi ức dạt dào cung bậc, khi trong trẻo, hồn nhiên, lúc ưu phiền, tuyệt vọng trong cuốn tự truyện của Thiên Di, cô bạn thân của Thảo Nguyên mà qua đó, những đường nét tính cách nạn nhân cùng các nghi phạm được hé mở chập chờn mờ, tỏ. Là cây bút trẻ lần đầu tiên thử sức với thể loại trinh thám hình sự, tôi đã cố gắng vận dụng những kiến thức về tố tụng, pháp y, logic, tâm lý, ngôn ngữ, văn chương, giới tí với khát khao triển khai câu chuyện một cách chỉn chu, chặt chẽ, đặc sắc và hấp dẫn nhất có thể trong phạm vi khả năng bản thân.
Đồng thời, nỗ lực dùng ngòi bút khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND mưu trí, bản lĩnh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và rất đỗi chân thành, giản dị trong cuộc sống đời thường. Hoàn thiện tiểu thuyết này, tôi chợt nhận ra rằng, điều khó khăn và cũng chính là mục tiêu lớn nhất của cơ quan Cảnh sát điều tra không chỉ là các đưa thủ phạm ra ánh sáng với chứng cứ buộc tội đanh thép mà còn là cảm hóa, thức tỉnh lương tri những con người lầm đường lạc lối ấy, bằng trái tim nhân văn, ấm áp của mình.
– Chia sẻ của tác giả Phan Đức Lộc về tiểu thuyết “Tuyết đỏ”: